Contents
- Một số tiêu chí đánh giá mô tả sản phẩm hiệu quả
- Cách viết mô tả sản phẩm hiệu quả
- Bước 1: Hiểu rõ khách hàng của bạn là ai
- Bước 2: Tập trung vào lợi ích của sản phẩm
- Bước 3: Sử dụng ngôn ngữ thuyết phục
- Bước 4: Truyền cảm hứng qua một câu chuyện
- Bước 5: Nhấn mạnh những tính năng độc đáo
- Bước 6: Ưu tiên sự đơn giản và dễ hiểu
- Bước 7: Tối ưu SEO cho mô tả sản phẩm
- Bước 8: Đính kèm hình ảnh và video chất lượng
- Kết luận
Một bản mô tả hấp dẫn là một trong những yếu tố dẫn đến thành công của các Seller bán thương mại điện tử. Đặc biệt là khi khách hàng không thể trực tiếp chạm vào hay trải nghiệm sản phẩm, thì một bản mô tả cụ thể, chi tiết và cuốn hút sẽ giúp khách hàng hiểu rõ hơn về chất liệu, thông số và tính năng của sản phẩm, từ đó dễ dàng đưa ra quyết định chốt đơn hơn. Vậy đâu là cách viết mô tả sản phẩm hiệu quả cho các sản phẩm POD?
Hãy cùng Merchize khám phá ngay trong bài viết này!
Một số tiêu chí đánh giá mô tả sản phẩm hiệu quả
Mô tả sản phẩm là những thông tin ngắn gọn, chi tiết và hấp dẫn có nhiệm vụ cung cấp cho khách hàng tiềm năng thông tin quan trọng về sản phẩm. Chúng thường xuất hiện trên các website thương mại điện tử, catalogue và các tài liệu marketing khác. Mục đích chính của một miêu tả sản phẩm là truyền đạt rõ ràng và thuyết phục về đặc điểm, lợi ích và những điểm nổi bật của sản phẩm, từ đó thúc đẩy khách hàng chốt đơn mua sắm.
Khi viết miêu tả sản phẩm, Seller cần lưu ý các yếu tố sau:
- Tiêu đề thu hút: Tiêu đề là thứ đầu tiên khách hàng chú ý tới, vì vậy Seller hãy đảm bảo rằng nó thật ấn tượng nhé! Seller có thể chơi chữ hoặc sử dụng ngôn ngữ hài hước để thêm phần thú vị.
- Nhấn mạnh tính năng sản phẩm: Hãy chú trọng tới những tính năng nổi bật và khác biệt nhất của sản phẩm. Điều gì khiến cho sản phẩm của bạn đặc biệt hơn hàng ngàn người bán khác?
- Lợi ích mà sản phẩm đem lại cho người dùng: Đừng chỉ liệt kê một cách tẻ nhạt, Seller hãy giải thích thêm rằng sản phẩm này có thể giúp ích cho khách hàng như thế nào. Ví dụ như chiếc Custom Shape Photo Night Light sẽ làm nên món quà Valentine độc nhất vô nhị mà khách hàng có thể dành tặng người yêu thương và không thể trùng lặp với bất cứ món quà tặng đại trà nào khác.
- Thông số kỹ thuật: Bởi khách hàng không thể mặc thử hay tự tay cảm nhận sản phẩm, Seller hãy chú giải thật chi tiết thông số sản phẩm để khách dễ hình dung và lựa chọn hơn nhé. Một số thông tin quan trọng là chất liệu, bảng kích thước, số đo, kích thước, điện năng tiêu thụ (đối với các sản phẩm điện tử).
- Đính kèm hình ảnh và video: Hình ảnh và video là những vũ khí mạnh mẽ hơn ngôn từ rất nhiều! Seller hãy cố gắng đính kèm nhiều hình ảnh và video nhất có thể để khách hàng dễ dàng hình dung sản phẩm hơn nhé. Ví dụ như hình ảnh mặt trước – mặt sau, ảnh detail sản phẩm hay video hướng dẫn sử dụng sẽ là điểm cộng rất lớn cho sản phẩm của bạn đó!
- Đưa ra các ưu đãi hấp dẫn (nếu có): Theo nghiên cứu của Liên đoàn bán lẻ Quốc tế (NRF), 58% người tiêu dùng tham gia khảo sát chia sẻ rằng các ưu đãi và giảm giá là lý do chính khiến họ đưa ra quyết định mua hàng. Vì vậy Seller đừng bỏ lỡ tiềm năng từ các ưu đãi giảm giá nhé!
- Đánh giá tích cực từ khách đã mua hàng: Những đánh giá chân thực từ những vị khách uy tín đã mua hàng sẽ chứng tỏ độ đáng tin cậy của shop đối với khách hàng mới. Seller có thể tăng thêm đánh giá cho shop bằng cách dành tặng những ưu đãi nho nhỏ khi khách hàng viết review sản phẩm.
- Câu CTA (Call To Action) thuyết phục: Hãy đưa ra những lời kêu gọi cụ thể về việc bạn muốn khách hàng làm gì và ở vị trí dễ nhìn nhất.
Cách viết mô tả sản phẩm hiệu quả
Để viết mô tả sản phẩm print on demand, Seller cần kết hợp giữa ngôn từ thuyết phục, cách kể chuyện hấp dẫn và làm nổi bật các tính năng và lợi ích độc đáo của sản phẩm. Hãy cùng Merchize khám phá từng bước về cách viết mô tả sản phẩm “bách phát bách trúng” nhé!
Bước 1: Hiểu rõ khách hàng của bạn là ai
Nền tảng cho sự thành công ở bất cứ lĩnh vực nào cũng bắt đầu từ việc thấu hiểu chân dung khách hàng của bạn. Ai là người có tiềm năng quan tâm tới sản phẩm của bạn nhất? Trước khi viết mô tả sản phẩm, Seller đừng quên tìm hiểu kỹ lưỡng về nhân khẩu học (demographics) và tâm lý học (psychographics) của những khách hàng tiềm năng.
Một số tiêu chí mà Seller có thể cân nhắc là:
- Tuổi tác, giới tính, vị trí, mức thu nhập
- Mối quan tâm, sở thích, ưu tiên và vấn đề họ đang gặp phải (pain point)
- Hình thức liên lạc và kênh mua sắm yêu thích
Một mẹo nhỏ cho Seller là hãy đặt mình vào vị trí của khách hàng để đưa ra những nội dung chính xác. Ví dụ như thông điệp nào sẽ thu hút sự chú ý của họ? Họ đang lăn tăn về những vấn đề gì khi mua sắm online? Mô tả sản phẩm của bạn càng tiệm cận với nhu cầu, mong muốn và sở thích của khách hàng thì tiềm năng chốt đơn càng cao.
Ví dụ bạn kinh doanh một thương hiệu mỹ phẩm thiên nhiên với đối tượng khách hàng tiềm năng là phụ nữ từ 25-45 tuổi, quan tâm đến những sản phẩm với nguyên liệu tự nhiên và bền vững. Vậy thì khi miêu tả các sản phẩm của bạn, hãy nhấn mạnh vào việc các công thức được nghiên cứu kỹ lưỡng thế nào để chiều chuộng cả những làn da nhạy cảm nhất, đồng thời chúng an toàn và dịu nhẹ ra sao. Bằng cách này, bạn cho khách hàng thấy rằng bạn đem đến những giá trị mà họ đang quan tâm tới.
Seller có thể tìm hiểu những thông tin về khách hàng (insight) thông qua các khảo sát, bình chọn trên mạng xã hội, hoặc thông qua Google analytics. Đừng nên viết quá chung chung, hãy nghĩ rằng bạn đang viết cho một người bạn đang rất hào hứng khám phá sản phẩm của bạn.
Bước 2: Tập trung vào lợi ích của sản phẩm
Trong khi các tính năng cho khách hàng biết rằng sản phẩm của bạn “có gì” thì lợi ích nói lên rằng “làm thế nào” mà sản phẩm của bạn có thể giải quyết được những vấn đề họ đang gặp phải. Lợi ích càng hấp dẫn thì động lực mua hàng càng gia tăng.
Bạn có thể tự đặt cho mình những câu hỏi sau đây để liệt kê lợi ích sản phẩm đầy đủ và chính xác:
- Khách hàng của bạn đang gặp phải vấn đề gì?
- Sản phẩm này giúp ích cho họ thế nào?
- Kết quả nào sẽ khiến khách hàng vui thích?
Một khi bạn trả lời được những câu hỏi trên thì việc liệt kê lợi ích sản phẩm trở nên rất dễ dàng. Ví dụ như một chiếc máy pha cà phê không chỉ là một công cụ kim loại khô cứng, nó mang đến niềm vui của việc nhâm nhi ly cà phê thơm ngon mỗi sáng mà không cần ra khỏi căn nhà ấm cúng. Như vậy có thể thấy rằng sản phẩm không hề thay đổi, nhưng giá trị mà nó mang lại thì tăng lên rất nhiều.
Bên cạnh đó thì việc nhấn mạnh vào lợi ích sản phẩm cũng sẽ mang lại cho bạn những lợi thế vượt trội trong thị trường với hàng ngàn sản phẩm cùng công năng.
Một số ví dụ về việc nhấn mạnh vào lợi ích sản phẩm mà Seller có thể tham khảo là:
- Nhà có tiệc cũng chẳng lo – chiếc lò “ma thuật” giải quyết mọi món ăn khó!
- Chẳng còn ngại đường xa mưa nắng hay phòng gym đông người! Bộ tạ đa kích thước giúp bạn “điêu khắc” vóc dáng trong mơ tại chính ngôi nhà của bạn!
- Tận hưởng trọn vẹn hương vị tươi mát với máy ép lạnh đa năng, giúp bảo toàn trọn vẹn vị ngon và chất dinh dưỡng!
Bước 3: Sử dụng ngôn ngữ thuyết phục
Mô tả sản phẩm hấp dẫn không chỉ là liệt kê, mà còn phải thuyết phục và thúc giục khách hàng mua hàng! Bí kíp nằm ở cách dùng ngôn từ khéo léo, biến những thông tin bình thường thành lời mời chào hấp dẫn.
Seller có thể lồng ghép những tuyệt chiêu sau để chinh phục trái tim khách hàng:
- Từ ngữ ấn tượng: Dùng những từ gợi cảm xúc mạnh như “tuyệt vời", “bất ngờ", “không gì sánh bằng" để khiến sản phẩm trở nên hấp dẫn hơn.
- Tạo cảm giác khan hiếm: Hãy nói về số lượng có hạn hoặc flash sale để thúc giục khách hàng mau chốt đơn. Ví dụ: “Chỉ còn 5 sản phẩm duy nhất!" hoặc “Flash sale 24 giờ!”
- Dẫn dắt tinh tế: Dùng ngôn từ khéo léo để khiến khách hàng tự nhận ra sản phẩm của bạn là lựa chọn số 1, vượt trội hơn hẳn so với các sản phẩm khác. Tạo cảm giác tin tưởng, chân thật về giá trị sản phẩm.
- Uy tín đã được kiểm chứng: Seller có thể trích dẫn những lời khen, đánh giá tốt để tạo niềm tin cho người mua.
Ngoài ra, lời kêu gọi hành động rõ ràng cũng rất quan trọng. Seller hãy cho khách hàng biết bước tiếp theo cần làm là gì, như “Mua ngay" hoặc “Thêm vào giỏ hàng" để thúc đẩy họ hành động.
Trong thế giới thương mại điện tử đầy ắp sự lựa chọn, sử dụng ngôn từ thuyết phục sẽ tạo ra động lực lớn để khách hàng chọn sản phẩm của bạn. Học hỏi từ những tips trên và đừng quên luôn luôn trung thực và nhấn mạnh giá trị sản phẩm. Như vậy thì việc tăng doanh thu và phát triển danh tiếng cho Seller sẽ đến sớm thôi!
Bước 4: Truyền cảm hứng qua một câu chuyện
Thay vì đơn thuần liệt kê công dụng hay thông số sản phẩm cụ thể nhưng có phần khô khan, bạn hãy biến sản phẩm của mình thành nhân vật chính trong một câu chuyện chạm đến trái tim khách hàng. Một câu chuyện dễ nhớ, dễ liên tưởng, và lôi cuốn về mặt cảm xúc. Đồng thời đừng quên lồng ghép những yếu tố sau đây vào câu chuyện của bạn:
- Đặt vấn đề: Hãy bắt đầu câu chuyện bằng cách chỉ ra những điều khiến khách hàng phiền muộn. Cho họ thấy rằng bạn hiểu rõ vấn đề của họ để đưa ra giải pháp phù hợp
- Đưa ra giải pháp: Giới thiệu rằng sản phẩm của bạn như một vị cứu tinh và mô tả chi tiết tính năng, cách sản phẩm giải quyết vấn đề tốt hơn các lựa chọn khác.
- Cung cấp trải nghiệm: Hãy giúp khách hàng mường tượng cuộc sống với sản phẩm của bạn. Dùng ngôn ngữ sống động, tác động đa giác quan để khiến lợi ích sản phẩm trở nên rõ ràng và dễ nắm bắt.
- Chia sẻ kết quả: Chia sẻ cái kết viên mãn với những mục tiêu đạt được, cuộc sống tốt đẹp hơn sau khi sử dụng sản phẩm. Hãy cho họ thấy những điều tuyệt vời có thể xảy ra một cách chân thực.
Đừng quên giữ cho câu chuyện ngắn gọn nhưng sinh động, kích thích trí tưởng tượng mà vẫn liên quan đến sản phẩm. Việc storytelling giúp bạn bỏ qua sự cường điệu, đánh vào cảm xúc để xây dựng mối quan hệ tin tưởng với khách hàng. Cuối cùng, khách hàng sẽ bị cuốn hút đến mức việc dẫn dắt họ mua hàng trở nên suôn sẻ.
Bằng cách lồng ghép cốt truyện tự nhiên như thế, bạn đang mời khách hàng bước vào thế giới bạn tạo ra. Câu chuyện hay sẽ bán được hàng. Vậy bạn đã lựa chọn được câu chuyện hấp dẫn nào cho sản phẩm của mình chưa?
Bước 5: Nhấn mạnh những tính năng độc đáo
Trong muôn trùng sản phẩm “na ná” nhau, làm sao để nổi bật giữa đám đông? Bí quyết nằm ở chỗ tìm ra và nhấn mạnh những điểm khác biệt độc đáo của sản phẩm. Đừng nên cho rằng những tính năng bình thường với bạn cũng bình thường với khách hàng. Thay vào đó, hãy tìm điểm nào khiến sản phẩm của bạn “chất" hơn hẳn các lựa chọn khác.
Để tìm ra sức hấp dẫn riêng của sản phẩm, hãy tự hỏi mình:
- Sản phẩm của mình có gì độc, có tính sáng tạo mà đối thủ không có?
- Lợi ích nào của sản phẩm là khó copy hay thay thế nhất?
- Khách hàng của mình sẽ thấy đặc điểm nào của sản phẩm là lợi thế hiếm có và quyết định mua hàng?
Sau đó, hãy kêu to những đặc điểm đáng tự hào đó trong phần mô tả sản phẩm, dùng những cụm từ như “Công thức đặc biệt giúp…", “Thiết kế đột phá mang lại…", “Sản phẩm duy nhất có…"
Ví dụ, nếu bạn bán ốp điện thoại in theo yêu cầu, hãy nhấn mạnh có những mẫu độc quyền không có ở đâu khác. Nếu bạn bán dụng cụ nhà bếp, hãy nói về thiết kế tiện dụng, mang lại sự thoải mái khi sử dụng trong thời gian dài. Chỉ ra bạn chăm chút đến từng tiểu tiết, và quan tâm tới trải nghiệm của khách hàng.
Hãy cho khách hàng thấy cuộc sống của họ sẽ tốt đẹp hơn như thế nào nhờ những điểm độc đáo mà chỉ sản phẩm của bạn có. Thuyết phục họ rằng họ sẽ bỏ lỡ nhiều thứ nếu không chọn sản phẩm mang lại giá trị riêng biệt mà bạn mang lại. Sự độc đáo sẽ giúp Seller bán sản phẩm với giá cao hơn và xây dựng được tệp khách hàng trung thành. Vì vậy nên hãy khoe những gì khiến bạn vượt trội hơn đối thủ ngay thôi!
Bước 6: Ưu tiên sự đơn giản và dễ hiểu
Khi viết mô tả sản phẩm, tốt nhất là chọn những từ đơn giản, dễ hiểu để truyền tải thông điệp đến người đọc nhanh chóng. Tránh dùng thuật ngữ chuyên ngành hay ngôn ngữ kỹ thuật phức tạp mà khách hàng bình thường khó hiểu. Thay vào đó, hãy biến những thông số kỹ thuật thành những lợi ích thực tế, dễ hình dung trong cuộc sống hàng ngày.
Để đảm bảo mô tả sản phẩm tạo ra hình ảnh rõ ràng trong tâm trí khách hàng, Seller có thể tự đặt ra những câu hỏi:
- Liệu thông tin này có khiến khách hàng tò mò và thích thú không?
- Liệu nó có truyền đạt rõ ràng về điều gì khiến sản phẩm của tôi nổi bật?
- Liệu một khách hàng nhí có thể hiểu được thông tin này và háo hức muốn thử sản phẩm của tôi không?
Ví dụ như khi chào bán một bức tranh canvas, Seller có thể nói rằng: “Với chất liệu canvas cao cấp đạt chuẩn bảo tàng, từng chi tiết tuyệt vời sẽ hiện lên như một khung cảnh sống động. Chúng tôi sử dụng mực in riêng biệt giúp mang đến những tông màu hài hòa, lâu phai, đưa bạn đắm chìm vào thế giới của nghệ thuật.”
Bằng cách nói đơn giản nhưng khơi gợi cảm xúc, bạn sẽ khiến khách hàng dễ dàng hình dung và yêu thích sản phẩm của mình. Với ngôn từ dễ hiểu, dễ chạm đến trái tim, khách hàng sẽ phải thốt lên “Mình phải có cái này!"
Bước 7: Tối ưu SEO cho mô tả sản phẩm
Mô tả sản phẩm hay không chỉ thu hút khách hàng mà còn chào đón cả những người mua sắm thầm lặng – các công cụ tìm kiếm (search engine)! Tối ưu SEO cho mô tả sản phẩm sẽ giúp trang của bạn vươn xa trong thế giới thương mại điện tử, thu hút người dùng đang thực sự quan tâm đến sản phẩm. Đây là một công cụ marketing miễn phí mà hiệu quả, giúp gia tăng đáng kể sự nhận diện thương hiệu và khả năng chốt đơn.
Để đáp ứng yêu cầu của cả thuật toán và người dùng, Seller hãy chú ý đến những điểm sau:
- Từ khóa: Lồng ghép khéo léo các từ khóa liên quan mà người dùng tìm kiếm, như “ốp điện thoại in theo yêu cầu" hay cụ thể hơn như “ốp iPhone 14 Pro in ảnh collage phong cách vintage". Tuy nhiên Seller đừng quên cân bằng giữa tối ưu SEO và độ dễ đọc (Readability) nhé.
- Siêu dữ liệu (Metadata): Xây dựng tiêu đề trang, phần mô tả và thẻ alt hấp dẫn để các search engine dễ dàng nhận diện. Đồng thời có sự gắn kết chặt chẽ với các từ khóa mục tiêu.
- Hiệu suất website: Tốc độ tải nhanh và thân thiện với thiết bị di động sẽ giúp Seller tăng thứ hạng SEO. Seller có thể giảm kích thước file media và sử dụng các công cụ nén dữ liệu để site load nhanh hơn nhé!
Bằng cách tinh chỉnh mô tả sản phẩm cho cả người dùng và máy móc, bạn sẽ tối đa hóa khả năng được tìm thấy. Thu hút cả những người lướt web ngẫu nhiên từ trang kết quả tìm kiếm (SERP) đồng thời cung cấp thông tin hấp dẫn để biến lượt truy cập thành doanh thu.
Mẹo hay: Hãy đặt các sản phẩm có thứ hạng SEO cao nổi bật trên trang Home page và đặt đường dẫn đến các sản phẩm cùng chủ đề trong gian hàng. Điều này vừa báo hiệu sự liên quan cho Google vừa giới thiệu nhiều lựa chọn cho khách hàng.
Có thể bạn quan tâm: 4 công cụ giúp bạn tự động hóa quy trình bán Print on demand dễ dàng.
Bước 8: Đính kèm hình ảnh và video chất lượng
Khi bán hàng print on demand, một trong những tiêu chí quan trọng dẫn đến tỷ lệ chốt đơn cao là sử dụng hình ảnh và video chất lượng cao. Ấn tượng thị giác đẹp mắt không chỉ thu hút sự chú ý, mà còn truyền tải những tiểu tiết mà ngay cả ngôn từ hoa mỹ cũng khó phô diễn hết.
Khi chụp ảnh sản phẩm, Seller hãy tập trung vào việc thể hiện:
- Chất lượng: Bắt nét và màu sắc sống động để thể hiện trọn từng chi tiết nhỏ, chất liệu và kết cấu tinh tế. Đối với quần áo, hãy thể hiện sự vừa vặn và tôn dáng trên cơ thể người mẫu.
- Công dụng: Thay vì chụp sản phẩm rời rạc trên nền trắng, Seller hãy cho thấy cách mà sản phẩm được ứng dụng trong thực tế. Điều này giúp khách hàng dễ hình dung hơn về công năng và mục đích sử dụng của sản phẩm.
- Phong cách: Đừng quên lồng ghép cá tính thương hiệu vào ảnh thông qua lựa chọn thẩm mỹ và cách bố cục. Để hình ảnh “nói" lên tất cả!
Thêm video vào trang sản phẩm cũng là một công cụ hữu ích bởi video có thể mang đến cái nhìn bao quát 360° mà ảnh tĩnh khó có được. Thế nên Seller hãy sử dụng video để phô diễn form dáng, kích thước, và hướng dẫn sử dụng chi tiết nhé.
Mách nhỏ: Merchize hỗ trợ quay chụp theo yêu cầu của Seller, vì vậy hãy tận dụng lợi thế cực lớn này để mang đến những hình ảnh và video chất lượng, sắc nét cho khách hàng nhé.
Nội dung hình ảnh hấp dẫn chính là thứ gần gũi nhất với việc trải nghiệm sản phẩm trực tiếp. Hãy “thổi hồn" vào từng pixel và truyền tải cảm giác háo hức sở hữu sản phẩm tuyệt vời qua ấn tượng thị giác nhé!
Kết luận
Hy vọng rằng bài viết trên đã giúp Seller khám phá cách viết mô tả sản phẩm hiệu quả. Hãy không ngừng sáng tạo, đặt mình vào vị trí khách hàng và viết về sản phẩm bằng tất cả niềm đam mê để phần mô tả này trở nên hữu ích và thu hút khách hàng!
Và nếu bạn đã sẵn sàng, hãy bắt đầu sự nghiệp kinh doanh Print On Demand thắng lợi rực rỡ với Merchize ngay thôi!